Theo một báo cáo của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), giá trung bình cho một căn nhà hiện hữu ở Mỹ vào tháng 6 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 363.300 USD. Mức giá này đánh dấu 112 tháng giá nhà tại Mỹ tăng liên tiếp so với cùng kỳ, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn ra trên thế giới.
Tương tự, giá nhà tại Hong Kong, nơi bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới, cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8, giá nhà bán lại tại đây tăng 0,65%, theo Centaline Property Agengy. Kể từ đầu năm đến nay, giá bất động sản nhà ở của thành phố này đã tăng 8,6%, mức giá ngoài tầm với của người dân Hong Kong.
Theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm là lý do chính khiến giá nhà ở các nước này đẩy lên cao, trong khi nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn tăng mạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giới đầu tư nước ngoài chuyển sang tìm kiếm các thị trường mới nổi khác, trong đó có Việt Nam nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư, với mức giá vừa túi tiền và nhiều tiềm năng phát triển.
Savills Hong Kong đánh giá, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng đầu năm vẫn đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, FDI đổ vào bất động sản đạt 1,16 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất, với các đối tác lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia.
Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận sự quan tâm lớn từ các quỹ ngoại như Dragon Capital, VinaCapital hay PYN Elite Fund, với các giao dịch và khoản đầu tư tỷ trọng lớn vào cổ phiếu bất động sản.
Giới chuyên gia đánh giá, chính sách quản lý vốn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tạo sức hút lớn cho bất động sản Việt Nam. Theo đó, nhiều rào cản pháp lý đang được tích cực gỡ bỏ, Chính phủ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại tham gia đấu giá đất.
Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Trước đó, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, bao gồm Moody’s, S&P và Fitch.
Với sự bùng phát của Covid-19 lần thứ 4, các chuyên gia Savills cho rằng, trong dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chưa có hoạt động tại Việt Nam vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường bất động sản. Trong dịch, do nhiều nguyên nhân như khó khăn trong đi lại khiến họ chưa thể thực hiện thành công thương vụ thì khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ tiếp tục đổ bộ thị trường. Các dự án nằm ở vùng vệ tinh, có dư địa và không gian để phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích đồng bộ sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư.
"Tuy đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các hoạt động chuẩn bị đầu tư diễn ra vẫn hết sức sôi nổi từ các chủ đầu tư, các quỹ đầu tư lớn. Đặc biệt, là các hoạt động này không chỉ tập trung tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà còn phát triển ra các thành phố lân cận. Đây là động thái đầu tư dài hạn của các chủ đầu tư bất động sản tại những vị trí có dư địa phát triển tốt", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết.
Tư vấn dự án Vinhomes Smart City: 090.662.8855